Giới thiệu Công nghệ xử lý chất thải rắn (nilon) ra thành phẩm dầu PO và RO

      Chức năng bình luận bị tắt ở Giới thiệu Công nghệ xử lý chất thải rắn (nilon) ra thành phẩm dầu PO và RO

Ngày 20/4, tại Nhà máy Xử lý chất thải rắn – bãi rác Khánh Sơn, Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam chính thức giới thiệu và công bố “Công nghệ xử lý chất thải rắn (nilon) ra thành phẩm dầu PO và RO” đầu tiên tại Việt Nam. 

Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam (địa chỉ quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) là nhà đầu tư chuyên nghiên cứu và đưa ra các giải pháp công nghệ phù hợp và hiệu quả trong việc xử lý nilon phế thải được tách ra từ hỗn hợp chất thải rắn và tận thu tái chế thành dầu đốt công nhiệp. Công nghệ xử lý tái chế nilon phế thải thành dầu đốt công nghiệp của Công ty DX Encorp phối hợp nghiên cứu được áp dụng phương pháp nhiệt phân có điều kiện để tái tạo thành phần khó phân hủy như hỗn hợp phế thải dẻo, cao su… có trong chất thải rắn sinh hoạt tạo thành nguồn nhiên liệu đốt (dầu PO) phục vụ đời sống và sản xuất đạt tiêu chí xã hội hóa ngành môi trường đã được đưa vào áp dụng vận hành tại Dự án Nhà máy rác Đà Nẵng.

   Quy trình công nghệ gồm bãi tập kết rác và phun vi sinh khử mùi; bước 2 tách lọc liên hoàn, hỗn hợp rác sau khi qua cụm tách lọc liên hoàn được phân loại thành 5 nhóm riêng biệt, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho các công đoạn tận thu và tái chế tiếp theo; bước 3 sử dụng các công nghệ xử lý tái chế để tái tạo ra các sản phẩm hữu ích bao gồm dầu đốt công nghiệp PO phục vụ ngành sản xuất công nghiệp, mùn phân bón than sinh học phục vụ trồng trọt và viên đốt sinh học, gạch lát Block phục vụ ngành xây dựng…

Hiện tại bãi rác Khánh Sơn mỗi ngày có 650 tấn rác được tập kết về, trong đó có 8% rác là các loại nilon (khoảng 52 tấn). Cứ 3 tấn nilon sản xuất được 1 tấn dầu PO, như vậy bình quân mỗi ngày, Nhà máy sẽ sản xuất khoảng 17 tấn dầu PO, ngoài ra còn các loại sản phẩm khác từ nguồn rác thải còn lại.  Toàn bộ cơ sở Nhà máy nằm trên tổng diện tích 12ha, tổng vốn đầu tư 520 tỷ đồng, giai đoạn 1 là 120 tỷ đồng, hiện nay đã hoàn thành giai đoạn 1 và tiếp tục đầu tư giai đoạn 2.

 Việc tận thu thành phần khó phân huỷ trong chất tải rắn mang nhiều ý nghĩa xã hội khi sử dụng nguồn năng lượng này sẽ góp phần giảm thiểu việc chôn lấp, giảm thiểu tối đa ô nhiễm từ rác thải, cải tạo và tiết kiệm diện tích đất chôn lấp rác thải.

Văn Sơn 

Facebook Comments Box
3 (60%) 3 votes