Hồ Gươm được xem là trái tim của thủ đô Hà Nội. Nơi đây không chỉ là điểm đến yêu thích của du khách thập phương mà còn mang giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc. Hãy tìm hiểu những thông tin thú vị về hồ Gươm Hà Nội trong bài viết dưới đây.
Mục Lục
Hồ Gươm ở đâu?
Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm là hồ nước ngọt tự nhiên giữa lòng thủ đô Hà Nội, với diện tích khoảng 12 hecta. Hồ nằm ở trung tâm thủ đô, được bao quanh bởi 3 con phố Hàng Khay – Lê Thái Tổ – Đinh Tiên Hoàng.
Hồ Gươm Hà Nội có vị trí kết nối các tuyến phố trung tâm khu phố cổ như Hàng Đào, Hàng Ngang, Lương Văn Can, Cầu Gỗ… với khu phố Tây như Bảo Khánh, Tràng Thi, Đinh Tiên Hoàng, Bà Triệu, Tràng Tiền… do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ. Sở hữu vị trí đắc địa như vậy, hồ Hoàn Kiếm trở thành địa điểm thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan trong hành trình khám phá thủ đô Hà Nội.
Lịch sử tên gọi hồ Gươm Hà Nội
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hồ Hoàn Kiếm là một trong những biểu tượng của thủ đô, chỉ cần nhắc đến là nghĩ ngay đến Hà Nội. Với vẻ đẹp đậm nét văn hóa truyền thống, hồ Gươm còn là cảm hứng sáng tác của biết bao nhiêu tác phẩm thơ ca nghệ thuật.
Trước đây, hồ còn có một số tên gọi khác như hồ Lục Thủy hay hồ Thủy Quân (bởi hồ từng là nơi để huấn luyện thủy binh chiến đấu). Vào cuối thế kỷ 16, chúa Trịnh cho ngăn hồ thành hai, lấy tên là hồ Hữu Vọng và hồ Tả Vọng. Đến thời thực dân Pháp xâm lược nước ta năm 1884, hồ Hữu Vọng đã bị lấp để mở mang thủ đô, còn hồ Tả Vọng được giữ lại chính là hồ Hoàn Kiếm ngày nay.
Tìm hiểu những thông tin thú vị về hồ Gươm Hà Nội
Xem thêm: Điểm danh những hồ rộng nhất Việt Nam
Tên gọi hồ Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15, gắn liền với sự tích vua Lê Thái Tổ trả gươm thần cho Rùa Vàng. Theo truyền thuyết kể lại, khi Lê Thái Tổ cầm quân dẹp loạn giặc Minh xâm chiếm nước ta, ông nhặt được một thanh gươm Thuận Thiên. Đó chính là gươm thần Long Quân cho nhà vua mượn để đánh giặc. Nhờ có gươm thần, vua đánh đuổi sạch bóng quân Minh khỏi bờ cõi và lên ngôi năm 1428.
Trong một lần khi nhà vua đang dạo thuyền tản mạn trên hồ Tả Vọng, chợt Rùa Vàng nổi lên và đòi lại gươm thần cho Long Quân. Vua trả gươm rồi Rùa Vàng ngậm gươm lặn mất. Từ đó, vua đổi tên hồ thành hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm và cái tên này được sử dụng đến ngày nay.
Những địa điểm tham quan khu vực hồ Gươm Hà Nội
Hồ Gươm Hà Nội không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp dịu dàng, thơ mộng mà còn bởi những địa danh gắn liền với dấu ấn lịch sử của mảnh đất Thủ đô. Nơi đây không chỉ là trung tâm văn hóa chính trị mà còn quy tụ rất nhiều địa điểm tham quan mang ý nghĩa lịch sử văn hóa ngàn năm của thủ đô Hà Nội.
Tháp Rùa
Nằm ở giữa Hồ Gươm là Tháp Rùa với lối kiến trúc kết hợp giữa Châu Âu và Việt Nam. Tháp được xây trên một gò đất nổi trên giữa hồ vào cuối thế kỉ XIX. Tháp cao ba tầng, trên đỉnh có những tầng nhỏ.
Với vị trí đắc địa, cùng kiến trúc độc đáo và mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc, tháp Rùa trở thành một biểu tượng văn hóa của Hà Nội. Tháp Rùa nổi lên giữa hồ cổ kính, rêu phong và đầy trầm mặc.
Đền Ngọc Sơn
Đền Ngọc Sơn được xây dựng trên một gò đất cao nằm ở Đông Bắc hồ Gươm vào đầu thế kỷ XIX. Đền là nơi thờ thần Văn Xương và Đức thánh Trần Hưng Đạo. Đây là một trong những công trình kiến trúc góp phần tạo nên vẻ đẹp của Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Ngôi đền mang nét kiến trúc độc đáo kết hợp của Phật Giáo, Đạo Giáo và Nho Giáo, đại diện cho văn hóa tín ngưỡng của người Hà Nội. Không gian bên trong đền có nhiều hoành phi, câu đối được bài trí hài hòa đem lại nét đẹp cổ kính và linh thiêng.
Cầu Thê Húc
Nối liền Đền Ngọc Sơn với bờ hồ là cầu Thê Húc bằng gỗ màu đỏ nổi bật, có hình dáng cong như hình con tôm. Cầu được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX, với 15 nhịp cầu được làm bằng gỗ, sơn màu đỏ sẫm. Đứng trên cầu bạn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh hồ và chụp những tấm hình đẹp.
Tìm hiểu những thông tin thú vị về hồ Gươm Hà Nội
Xem thêm: Khám phá những hồ rộng nhất thế giới hiện nay
Tháp Bút – Đài Nghiên
Đài Nghiên và Tháp Bút là hai công trình được xây dựng năm 1865. Tháp Bút được thiết kế như hình một chiếc bút lông cao 9 mét với ngòi bút dựng thẳng lên trời. Đài Nghiên gồm 3 chân kê nghiên là hình tượng 3 con cóc và trên thân nghiên có khắc một bài Minh gồm 64 chữ Hán.
Hai công trình này là biểu tượng cho truyền thống hiếu học của người Hà thành nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Đây là một sự kết hợp mang tinh thần nho học của cụ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu.
Tháp Hòa Phong
Tháp Hòa Phong nằm trên bờ hồ phía Đông của Hồ Gươm và đối diện với Bưu điện Hà Nội. Đây là di tích duy nhất của chùa Báo Ân còn sót lại sau khi bị thực dân Pháp phá dỡ năm 1898.
Tháp được xây dựng kiên cố gồm 3 tầng, với tầng 1 được mở cửa theo 4 hướng. Công trình này có lối kiến trúc phương Đông và mang nhiều đặc điểm của Phật giáo.
Đền Bà Kiệu
Đền Bà Kiệu hay còn gọi là Thiên Tiên điện, nằm ở số nhà 59 Đinh Tiên Hoàng. Đây là một trong những ngôi đền mẫu được dựng sớm nhất ở nước ta. Đền thờ 3 vị nữ thần: Liễu Hạnh công chúa, Quế Nương và Quỳnh Hoa.
Nhà hát múa rối nước Thăng Long
Đây là một trong những nhà hát múa rối nước lâu đời nhất và còn hoạt động cho đến ngày nay. Khi đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những màn trình diễn rối nước đặc sắc mà còn tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Việt.
Bưu điện Hà Nội
Bưu điện Hà Nội là công trình được xây dựng trên nền chùa Báo Ân mà Pháp đã tháo dỡ. Tòa nhà đầu tiên của Bưu điện Hà Nội được Pháp xây dựng từ năm 1884.
Đến nay, Bưu điện Hà Nội được giữ nguyên kiến trúc 5 tầng hiện đại với mặt tiền chạy dọc bờ hồ Hoàn Kiếm. Với đồng hồ lớn ở trên nóc, Bưu Điện Hà Nội là địa điểm nổi tiếng được người dân thủ đô gọi với tên thân thuộc “Bưu điện Bờ Hồ”.
Tìm hiểu những thông tin thú vị về hồ Gươm Hà Nội
Vườn hoa Lý Thái Tổ
Vườn hoa Lý Thái Tổ nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, là nơi đặt tượng đài vua Lý Thái Tổ. Không gian vườn hoa rất thoáng đãng và là nơi thường xuyên diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của thành phố.
Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza
Khác với những điểm tham quan mang ý nghĩa lịch sử và văn hóa lâu đời, Tràng Tiền Plaza là nơi phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Đây là công trình trung tâm thương mại hiện đại và sang trọng bậc nhất thủ đô với rất nhiều mặt hàng từ các thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Phố cổ Hà Nội
Từ Hồ Gươm đi chếch về phía Tây và phía Bắc, bạn sẽ được tham quan khu phố cổ Hà Nội như Hàng Lược, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… Những con phố này vẫn giữ được nề nếp bán hàng trên đường phố, những gánh hàng rong và những ngôi nhà cổ được bảo tồn. Khi dạo bước tại đây, chắc chắn sẽ khiến du khách cảm nhận được phần nào về Hà Nội 36 phố phường xưa cũ.
Phố đi bộ Hồ Gươm
Mặc dù mới được mở từ năm 2018, nhưng đến nay phố đi bộ hồ Gươm đã trở thành điểm đến nổi tiếng và quen thuộc của Hà Nội. Phố đi bộ mở cửa từ 6h chiều thứ 6 đến hết ngày Chủ nhật hàng tuần, kéo dài qua hầu hết các con phố cổ xung quanh hồ Gươm.
Nơi đây diễn ra các hoạt động hấp dẫn như trò chơi dân gian ô ăn quan, kéo co, nhảy sạp, nhảy dây, biểu diễn âm nhạc dân gian, âm nhạc đường phố… Hay những gánh hàng rong đặc trưng hay những quầy nặn bán tò he, tất cả làm nên một Hà Nội tấp nập.
Chợ Đồng Xuân
Chợ Đồng Xuân là khu chợ lâu đời và quy mô lớn ở Hà Nội. Khi đến chơ, bạn có thể tìm thấy mọi thứ từ các món ăn đường phố tới các mặt hàng gia dụng, quần áo, vải vóc, phụ kiện công nghệ tới các món quà có thể mua về để tặng người thân, gia đình, bạn bè.