Tìm định hướng chiến lược đưa vùng DDBSCL phát triển nhanh, bền vững

      Chức năng bình luận bị tắt ở Tìm định hướng chiến lược đưa vùng DDBSCL phát triển nhanh, bền vững

(TN&MT) – Trong khuôn khổ Triển lãm – Hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển đồng bằng sông Cửu Long, ngày 30/4/2012 Hội thảo Tham vấn định hướng chiến lược phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) đã diễn ra tại TP.Cần Thơ, với sự chủ trì điều hành của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Hoàng Văn Thắng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Quốc gia về BĐKH – GS.TS. Đào Xuân Học; Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ – Bùi Ngọc Sương; Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển – Lê Văn Khoa.

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TẠO THÊM NHIỀU BẤT CẬP…

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, vùng ĐBSCL (gồm 13 tỉnh, thành) có tổng diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, dân số hơn 17 triệu người. Đây được xem là một trong những vùng có mật độ dân số cao của cả nước cũng như trên thế giới. Trong những thập niên vừa qua, công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của vùng dù đạt được nhiều kết quả đáng kể như: Vùng ĐBSCL đã trở thành vựa lúa cung cấp trên 50% sản lượng gạo quốc gia, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 40% lượng thủy sản đánh bắt và hơn 74% lượng thủy sản nuôi của cả nước. Kết quả này đã góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu mạnh về thủy sản và là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới.

Tuy nhiên, vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn, thách thức như : Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, công tác quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu, quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ, đầu ra cho sản phẩm hàng hóa không ổn định, môi trường bị ô nhiễm đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến người dân. Đặc biệt là sự phát triển của vùng trong tương lai sẽ bị đe dọa bởi nguy cơ BĐKH và ĐBSCL được xác định là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nặng nề nhất của Việt Nam. Tác động của BĐKH sẽ tạo thêm nhiều bất cập và nguy cơ lớn hơn cho phát triển kinh tế – xã hội và đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL.

 

VÀ NGUY CƠ ĐE DỌA…

Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong tương lai ĐBSCL là vùng được xác định bị tổn thương nặng nề bởi những tác động của BĐKH. Tại Hội thảo, ông Dick Kevelam – Trưởng nhóm Tư vấn và ông Martijin Van De Groep – Cố vấn trưởng kỹ thuật, Nhóm chuyên gia MDP – Hà Lan (thuộc Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Hà Lan về quản lý tài nguyên nước và BĐKH), đã trình bày và lấy ý kiến tham vấn cho Dự thảo Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long tầm nhìn 2100.

Theo TS. Nguyễn Văn Sánh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, muốn ứng phó được với biến đổi khí hậu – nước biển dâng, yêu cầu đặt ra là thông tin thay đổi về nhiệt độ, mặn, khô hạn phải kịp thời đến với người dân, để họ chủ động thay đổi kỹ thuật canh tác, các nhà khoa học phải nghiên cứu chuyển giao xuống cộng đồng để người dân nắm bắt được, từ đó sẽ tạo ra giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu- nước biển dâng cho khu vực ĐBSCL nói chung, các tỉnh, thành nói riêng…

KS. Doãn Mạnh Dũng, Hội Khoa học Kỹ thuật biển TP.HCM, cho rằng: Khi độ ẩm tăng lên, luồng Định An sẽ bị dịch chuyển mạnh hơn gây tai nạn cho các phương tiện đường thủy vào luồng Định An. Do BĐKH và nước biển dâng, bờ biển Đông bị bào mòn, vì thế cần phải có giải pháp lấn biển ở mũi Cà Mau để giữ lượng phù sa, nếu không lượng phù sa sẽ di chuyển vào Vịnh Thái Lan…

 

PHẢI LÀM BÀI TOÁN YẾU TỐ RỦI RO

Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển cho rằng: “Chúng ta cần đặc biệt chú ý đến những tác động bất lợi của BĐKH cũng như những thách thức từ các hoạt động phát triển của vùng, của quốc gia và của thế giới, để từ đó có những định hướng chiến lược phát triển trong tương lai, đưa vùng ĐBSCL tiếp tục phát triển nhanh, bền vũng”.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Trần Hồng Hà cũng đánh giá cao vai trò của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trước yêu cầu thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL. Về các giải pháp, kịch bản phát triển kinh tế-xã hội ứng phó với BĐKH và nước biển dâng mà các chuyên gia Hà Lan đưa ra. Thứ trưởng lưu ý, cần đặc biệt chú trọng tính đột phá, khả thi, chi phí lợi ích của kịch bản và phải phù hợp với điều kiện vùng ĐBSCL – Việt Nam. “Chúng ta có chiến lược tổng thể phát triển kinh tế giữa vùng này với vùng khác, giữa Việt Nam với các nước khác, chúng ta phải làm bài toán yếu tố rủi ro để điều chỉnh cho phù hợp. Các chuyên gia Hà Lan cần xác định tính đặc trưng của vùng ĐBSCL, nên chú trọng giải pháp kết nối hạ tầng giao thông, mối quan hệ với thượng nguồn sông Mêkông trong việc kiểm soát lũ…” – Thứ trưởng Trần Hồng Hà, nhấn mạnh.

Theo kế hoạch của Ban Tổ chức Hội thảo, một số hoạt động nghiên cứu và tham vấn chuyên sâu cho vấn đề phát triển bền vững vùng ĐBSCL và lấy ý kiến cho Dự thảo Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục được triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau như theo chuyên ngành hoặc đến từ tỉnh, khu vực thuộc ĐBSCL.

L.HÙNG – H.PHƯƠNG

Facebook Comments Box
Rate this post