TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường xử phạt doanh nghiệp vi phạm

      Chức năng bình luận bị tắt ở TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường xử phạt doanh nghiệp vi phạm

(TN&MT) – UBND TP.HCM vừa  chỉ đạo Sở TN&MT, Công an thành phố và UBND các quận, huyện khẩn trương rà soát các doanh nghiệp có hành vi gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn đã có Quyết định xử phạt nhưng chưa chấp hành, đồng thời đề xuất các hình thức xử phạt nghiêm khắc mới.

Trong những năm qua, Sở TN&MT đã phối hợp với các Sở, ngành chức năng, UBND các quận huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài các KCN – KCX, kịp thời phát hiện và xử phạt những vi phạm về môi trường.

Theo kết luận thanh tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.HCM của Bộ TN&MT mới đây, hàng năm Sở TN&MT TP.HCM và Ban Quản lý các khu công nghiệp TP.HCM (Hepza) đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra thường xuyên theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt và thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có đơn thư khiếu nại của người dân, qua đó vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố nói chung và tại các KCN, KCX nói riêng đã dần được kiểm soát và có bước cải thiện đáng kể. Trong năm 2010, Thanh tra Hepza đã tiến hành thanh tra đối với 130 doanh nghiệp, trong đó đã thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với 57 cơ sở với tổng số tiền phạt là 523.750.000 đồng. Trong 10 tháng đầu năm 2011, Thanh tra Hepza đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 83 doanh nghiệp, trong đó có 22 doanh nghiệp bị xử phạt với tổng số tiền phạt là 143,75 triệu đồng (từ ngày 01 tháng 07 năm 2011, Thanh tra Hepza không xử phạt mà chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường xử phạt theo quy định).

Trong năm 2011, Sở TN&MT đã thành lập 16 đoàn kiểm tra đối với 258 đơn vị; đã phát hiện nhiều doanh nghiệp có vi phạm trong lĩnh vực BVMT và đã xử phạt với tổng số tiền là 4,152 tỷ đồng. UBND thành phố đã ban hành Quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với 2 đơn vị; Thanh tra Sở đã buộc tạm đình chỉ công đoạn sản xuất gây ô nhiễm và niêm phong máy móc đối với 8 đơn vị.

Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 37 doanh nghiệp cần phải thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để. Đến nay, nhờ các biện pháp giám sát, xử lý  đã  có 9 cơ sở hoàn tất việc xử lý ô nhiễm triệt để, được rút tên khỏi Quyết định 64; 24 cơ sở đã di dời, ngưng hoạt động, đang lập hồ sơ đề nghị rút tên ra khỏi Quyết định 64; 2 cơ sở vừa hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để, đang lập hồ sơ rút tên ra khỏi Quyết định 64 (Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, Nhà máy Bia Sài gòn); 2 cơ sở chậm xử lý ô nhiễm môi trường, do dự kiến di dời hoạt động sản xuất  nhưng vẫn không triển khai đúng theo kế hoạch (Nhà máy Xi măng Hà Tiên kế hoạch di dời năm 2018, Nhà máy Đóng tàu Ba Son kế hoạch di dời năm 2017).

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Công tác thanh tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm môi trường ngày càng kiên quyết và  hiệu quả hơn. Đến nay, Sở TN&MT đã phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương tiến hành đình chỉ các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường của hàng chục cơ sở, doanh nghiệp vi phạm bằng các hình thức cúp nước, niêm phong cầu dao điện, đến khi khắc phục triệt để mới cho phép hoạt động trở lại. Vì vậy, tình trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ngày cảng giảm về số lượng và mức độ.

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn còn một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động gây ô nhiễm môi trường nhưng không chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và không có biện pháp khắc phục. Ngoài ra, đến nay vẫn còn một số cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động gần nhà dân.

Vì vậy, UBND thành phố yêu cầu các Sở, ngành chức năng khẩn trương báo cáo các trường hợp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan chức năng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn; đề xuất UBND thành phố hướng xử lý theo thẩm quyền (ban hành quyết định cưỡng chế hoặc tạm đình chỉ hoạt động…). Đồng thời, Sở TN&MT tham mưu, trình UBND thành phố ban hành cơ chế phối hợp thực hiện trong lĩnh vực bảo vệ môi trường giữa các Sở, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan.

Nguyễn Thanh

Facebook Comments Box
Rate this post