(TN&MT) – Thiên tai và biến đổi khí hậu tác động mạnh nhất đến các cộng đồng dân cư nằm trong vùng nguy cơ cao, các hộ dân nghèo và người nông dân. Việc thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai phải được thực hiện từ cộng đồng, dựa vào cộng đồng và làm lợi cho cộng đồng.
2% GDP bị cuốn theo thiên tai
Tại Hội nghị quốc tế về thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng lần thứ 6 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, tác động của biến đổi khí hậu trong 10 năm trở lại đây ngày càng tăng và ước tính thiệt hại tài sản chiếm khoảng 2% GDP. Trong tương lai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng còn ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Tổ chức CARE đã đánh giá mức độ dễ tổn thương cho tỉnh Thanh Hóa cho thấy, những năm gần đây, hạn hán bắt đầu sớm hơn và khắc nghiệt hơn; ngập lụt thường xuyên và cực đoan hơn; mùa đông có dấu hiệu ngắn hơn và mùa hè dài ra. Các điều kiện nóng lạnh cực đoan, nhiệt ẩm thay đổi bất thương đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Còn tại hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, một vài con số đưa ra cho thấy thiên tai có thể đẩy lùi tốc độ phát triển của tỉnh. Năm 2007, Quảng Bình bị thiệt tại 1.340 tỷ đồng do thiên tai còn Hà Tĩnh mất đi gần 1.000 tỷ đồng do hai cơn bão. Trong khi đó GDP hàng năm của các tỉnh này chỉ đạt khoảng 550 tỷ đồng.
Chưa có số liệu đầy đủ để có thể thấy được thiệt hại do thiên tai gây ra đã tác động như thế nào đến 2 tỉnh, nhưng thực tế cho thấy, có một bộ phận đáng kể, khoảng gần 40% dân số đang nghèo đói thì nghèo đói hơn, số hộ cận nghèo thì rơi xuống diện nghèo đói. Thiên tai đã làm giảm sút tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vốn dĩ đã rất yếu ướt, tăng thêm tình trạng dễ bị tổn thương, làm giảm khả năng chống chọi với thiên tai của cả cộng đồng.
Xây dựng cộng đồng hiểu về biến đổi khí hậu
Nhận thấy cộng đồng dân cư là phần quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu đã xác định một mục tiêu quan trọng là xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, an ninh xã hội, sức khỏe, nâng cao đời sống bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao năng lực ứng phó của các bên liên quan.
“Dựa trên mục tiêu đó, Chiến lược tập trung xây dựng cộng đồng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đó là cộng đồng có nhận thức về biến đổi khí hậu, có kiến thức bản địa ứng phó với biến đổi khí hậu, có hành vi thân thiện môi trường và khí hậu, nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe, đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là áp dụng các biện pháp tại chỗ nhằm đảm bảo quyền lợi của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương”, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói. Bên cạnh đó là các giải pháp giám sát biến đổi khí hậu, tăng cường dự báo, cảnh báo thiên tai…
Xây dựng một cộng đồng thích ứng được với biến đổi khí hậu đã được thực hiện thí điểm tại một số địa phương.
Có thể kể đến mô hình chuyển đổi sinh kế ở Xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) và Duy Vinh (Duy Xuyên – Quảng Nam) thực hiện hơn 10 năm nay. Các tổ cộng đồng quản lý khai thác thủy sản nội địa ở các dần nâng ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái của các hộ dân khu vực ven sông. Các hộ dân khai thác thủy sản bằng các nghề trũ điện, xung điện… đã tự nguyện chuyển sang các nghề mới phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, qua việc điều tra nguồn lợi trứng cá, tôm con và xác định mùa vụ sinh sản của các đối tượng thủy sản khác, người dân đã khoanh được nhiều khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đưa ra các quy định về khai thác, bảo vệ thủy sản được cộng đồng hưởng ứng.
Hay ở xã Hương Phong, huyện Hương Trà và Quảng Thành, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế) đã triển khai thành công mô hình nuôi trồng thủy sản quảng canh cải tiến ven phá Tam Giang và mô hình trồng rau “vườn treo” thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thành công, phải hài hòa giữa việc bảo vệ môi trường, gìn giữ sinh thái với sinh kế người dân. Cách làm phải thật cụ thể, thiết thực, giúp người dân tìm thấy lợi ích từ các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bảo Châu