tách thửa đất nông nghiệp

Một số quy định về tách thửa đất nông nghiệp cần nắm rõ

      Chức năng bình luận bị tắt ở Một số quy định về tách thửa đất nông nghiệp cần nắm rõ

Tách thửa đất là nhu cầu của nhiều khi chuyển nhượng hoặc phân chia tài sản cho người thân. Hãy tìm hiểu về một số quy định về tách thửa đất nông nghiệp dưới đây nhé.

Tìm hiểu điều kiện tách thửa đất nông nghiệp

Tách thửa đất nông nghiệp được hiểu là quy trình phân chia quyền sở hữu đất nông nghiệp từ một người đứng tên, chịu trách nhiệm sang nhiều đối tượng khác nhau. Tại Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đất đai. Cụ thể, quy định về tách thửa đất nông nghiệp như sau:

Điều 29. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu

  1. Thửa đất đang sử dụng được hình thành từ trước ngày văn bản quy định của UBND cấp tỉnh về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực thi hành mà diện tích thửa đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh nhưng có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
  2. Không được công chứng, chứng thực, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không được làm thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối với trường hợp tự chia tách thửa đất đã đăng ký, đã được cấp Giấy chứng nhận thành hai hoặc nhiều thửa đất mà trong đó có ít nhất một thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh.
  3. Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho thửa đất mới.

tách thửa đất nông nghiệpMột số quy định về tách thửa đất nông nghiệp cần nắm rõ

Hạn mức tách thửa đất nông nghiệp tối thiểu

Căn cứ theo Khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định về diện tích tối thiểu của thửa đất được tách:

“UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp đối với điều kiện cụ thể của từng địa phương”.

Như vậy, UBND cấp tỉnh sẽ đưa ra quy định cụ thể về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất. Mỗi địa phương sẽ có một số quy định tách thửa đất nông nghiệp khác nhau dựa trên điều kiện quỹ đất, phát triển kinh tế và quy hoạch xây dựng, sử dụng đất của địa phương đó.

UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quy định hạn mức đất giao và diện tích tối thiểu tách thửa đất nông nghiệp, đất thổ cư. Vì mỗi địa phương có sự khác nhau về diện tích đất tối thiểu cấp sổ đỏ hay diện tích tối thiểu khi tách thửa đất nên khi có thay đổi UBND sẽ ban hành quy định để người dân nắm rõ.

Hồ sơ và trình tự thủ tục tách thửa đất nông nghiệp

Về hồ sơ và trình tự thủ tục tách thửa đất nông nghiệp được quy định tại Thông tư 24/2014/TT-BTNMT. Hồ sơ tách thửa hoặc hợp thửa gồm có:

– Đơn đề nghị hợp thửa hoặc tách thửa theo mẫu;

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Luật Đất đai (nếu có).

tách thửa đất nông nghiệpMột số quy định về tách thửa đất nông nghiệp cần nắm rõ

Bên cạnh đó, việc tách thửa hoặc hợp thửa theo nhu cầu của người sử dụng đất được thực hiện theo trình tự như sau:

a) Người có nhu cầu xin hợp thửa hoặc tách thửa sẽ lập 01 bộ hồ sơ nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài. Còn đối với hộ gia đình, cá nhân sẽ nộp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường địa phương;

b) Trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tài nguyên và môi trường sẽ có trách nhiệm gửi cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc để chuẩn bị hồ sơ địa chính;

c) Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ có trách nhiệm làm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính đối với mảnh đất chưa có bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính và sau đó gửi đến cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp;

d) Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được trích lục bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 100 của Luật Đất đai, trình UBND cùng cấp xem xét và ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất mới; Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 100 của Luật Đất đai và ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất mới trong trường hợp được uỷ quyền hoặc trình UBND cùng cấp xem xét và ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất mới trong trường hợp không được ủy quyền;

đ) Trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ trình, UBND cấp có thẩm quyền xem xét, ký và sau đó gửi cho cơ quan tài nguyên và môi trường trực thuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất mới, trừ trường hợp Sở Tài nguyên và Môi trường được uỷ quyền;

e) Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày giấy chứng nhận được ký, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm trao bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất mới cho người sử dụng đất; gửi bản lưu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được ký, bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thu hồi hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 100 của Luật Đất đai đã thu hồi cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc. Cuối cùng gửi thông báo biến động về sử dụng đất cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để chỉnh lý hồ sơ địa chính gốc.

Lưu ý khi tiến hành tách thửa đất nông nghiệp

Khi tiến hành tách thửa đất nông nghiệp, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

– Diện tích tối thiểu là diện tích mà thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa không được nhỏ hơn. Lưu ý, diện tích tối thiểu không tính phần chỉ giới xây dựng, hành lang an toàn giao thông… nếu có;

– Trong trường hợp tách thửa tạo thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu và xin hợp thửa với thửa đất khác liền kề để tạo thành một thửa đất mới có thể bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu thì được phép tách thửa.

– Quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa của mỗi tỉnh, thành sẽ khác nhau. Tuy nhiên, xu hướng diện tích được phép tách thửa càng về sau càng nhỏ đi (Quyết định mới thường quy định diện tích được phép tách thửa nhỏ hơn Quyết định cũ).

Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn đọc nắm được một số quy định về tách thửa đất nông nghiệp.

Tổng hợp

Facebook Comments Box
Rate this post